Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Huy Đức - Vụ kiện Forrmosa và nền Tư pháp Việt Nam; Formosa Hà Tĩnh: Việc ngư dân đi kiện là chuyện nội bộ chúng tôi không liên quan

Tòa án Kỳ Anh nhận đơn kiện Formosa và báo nhà nước đưa tin là một động thái tích cực. Nếu Chính quyền thụ lý tốt vụ kiện này nhằm tạo ra một "án lệ" thì coi như đã khởi đầu cho một lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Nếu coi đây chỉ là giải pháp "chiến thuật" thì sẽ như đang cài kíp vào những trái bom nổ chậm.


Khi thu thập đủ bằng chứng, buộc Formosa nhận tội và đòi được khoản bồi thường 500 triệu USD, có lẽ các quan chức Chính phủ cũng hí hửng như khi Ronaldo lập hattrick, đưa Bồ Đào Nha tới EURO 2016. Và, có lẽ họ đã rất chưng hửng khi ngước lên thay vì thấy khán giả reo hò thì lại có rất nhiều người la ó.

Trong vụ Formosa, người dân cũng muốn dõi mắt theo các đường banh, hồi hộp, xuýt xoa, la hét... Nhưng họ gần như đã bị đặt ra ngoài "sân vận động" ngay cả khi trở thành nạn nhân. Hành động dân chúng kéo nhau lên tòa nhắc nhở rằng, vai trò của chính phủ là kiến tạo trận cầu chứ không phải tự mình sút vào lưới hay âm thầm dàn xếp tỉ số.

Có thể bằng sức mạnh của bộ máy toàn trị chính quyền tin sẽ không có phản ứng từ những người dân chưa ủy quyền đàm phán bồi thường thiệt hại cho mình. Có thể vì thiếu tự tin, chính quyền không muốn để dân hành xử quyền của họ. Có thể số tiền tự dân chúng kiện đòi được từ Formosa ít hơn con số 500 nhưng nhu cầu của dân chúng còn là công lý chứ không đơn giản là tiền bạc.

Cần cám ơn những người dân Kỳ Anh đã dạy cho Chính phủ giới hạn quyền của cơ quan hành pháp. Trong giai đoạn điều tra, thu thập chứng cứ để buộc Formosa nhận trách nhiệm, Chính phủ đã làm tốt. Nhưng trong giai đoạn bồi thường, Chính phủ cũng chỉ là một nạn nhân như người dân, đại diện cho các chủ thể bị xâm hại thuộc khu vực công (tài sản công và môi trường thiên nhiên...).

Hòa giải là một lựa chọn ưu tiên chứ không nhất thiết vụ kiện nào cũng phải qua tòa án. Nhưng, khi hòa giải, phải có đủ đại diện nạn nhân (thuộc cả khu vực tư và khu vực công).

Chưa kể cách thỏa thuận một khoản tiền đền bù trước khi có một quy trình đánh giá thiệt hại khoa học và minh bạch là không thuyết phục. Việc chính phủ cho rằng mình đương nhiên có quyền đại diện cho dân chúng để đứng ra thỏa thuận và nhận tiền từ Formosa, tưởng là có tinh thần trách nhiệm với dân, hóa ra lại rất sơ hở về mặt pháp lý và mắc một lỗi khá lớn về chính trị.

Sự kiện các nạn nhân của Formosa chiều 26-9-2016 vác đơn đi kiện đánh dấu một bước trưởng thành của dân chúng. Chính quyền cũng nên coi đây là một cơ hội để tự trưởng thành. Đừng nghĩ có thể "câu giờ" khi người dân đã trở về nhà mà phải bắt đầu nhận ra rằng, dân không còn để cho mình hành xử theo thói quen cũ nữa.

Nền tảng quan trọng nhất của công lý là niềm tin. Nếu không có một tòa án độc lập, không bị Formosa mua và không chịu sức ép của cấp ủy, để đưa ra một phán quyết mà người dân cảm nhận được công lý thì chính quyền sẽ khó yên với dân." -

Huy Đức

(FB. Trương Huy San)


Sự kiện 600 ngư dân Nghệ An cùng Linh Mục Đặng Hữu Nam khởi kiện Formosa tiếp tục gây tiếng vang lớn. Vào ngày hôm qua, hàng loạt các hãng truyền thông quốc tế lớn đã đăng tin về sự kiện mang tính lịch sử này.


Tin tức về vụ ngư dân kiện Formosa đã được loan tải trên hầu hết các hãng thông tấn và truyền thông lớn như AP, Reuters, DPA, The Times, AFP, Focus Taiwan... Các hãng truyền thông quốc tế cũng ghi nhận sự im lặng khó hiểu của gần 1,000 cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước CSVN. Hình như chỉ có một vài bản tin ngắn về sự kiện này được đưa một cách vắn tắt, trong khi thông tin lại phát tán mạnh trên mạng xã hội Facebook.

Các hãng truyền thông quốc tế đưa lại những thông tin, hình ảnh về vụ đi kiện mang tính lịch sử của những ngư dân ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, mà các trang mạng xã hội Việt Nam đã loan tải rộng rãi trong những ngày qua. Các bản tin quốc tế đặc biệt trích lại những lời phát biểu của Linh mục Đặng Hữu Nam, vị lãnh đạo tinh thần của giáo xứ Phú Yên, người đã đứng ra tổ chức, điều hợp vụ khởi kiện này.

Theo Linh mục Nam, cho dù Formosa đã nhận tội, thỏa thuận bồi thường 500 triệu USD cho chính quyền CSVN cũng không thỏa mãn được yêu sách của ngư dân. Theo ông, số tiền này là quá ít và không có sự tham khảo ý kiến từ người bị hại trực tiếp là ngư dân.

Linh mục Nam nói thêm, ngay cả khi Formosa có đền bù đầy đủ, đa số ngư dân vẫn muốn đóng cửa nhà máy này vĩnh viễn, vì âm mưu đầu độc môi trường Việt Nam của họ là quá ác độc, và khó có thể kiểm soát được trong tương lai.

Trong các bản tin quốc tế, Focus Taiwan, một truyền thông lớn tại Đài Loan đã phỏng vấn đại diện tập đoàn Formosa về sự kiện ngư dân Việt Nam đi kiện Formosa. Tổng Giám Đốc Formosa Hà Tĩnh Yu Ching Chang trả lời một cách vô trách nhiệm rằng, công ty Formosa có nghe tin về vụ kiện nhưng Formosa sẽ để cho chính quyền Việt Nam giải quyết bởi vì Formosa không liên quan đến sự việc này.

Đại diện Formosa cũng nói thêm rằng họ đã được sự công nhận của chính quyền địa phương vì họ đã hết sức nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn để bảo vệ môi trường.

Cũng cần nhắc lại, trong những ngày đầu tiên khi vụ thảm họa cá chết xảy ra, một lãnh đạo của Formosa là ông Chu Xuân Phàm-Giám Đốc Đối Ngoại- đã xấc xược trả lời báo chí là người dân Việt Nam phải chọn giữa cá hoặc thép! Chính lời phát biểu này đã kích động sự phẫn nộ tột đỉnh, góp phần dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối Formosa và đồng phạm là chính quyền CSVN của người dân cho đến tận ngày hôm nay.

Mặc dù các giới lãnh đạo cao nhất của Formosa sau đó đã cách chức ông Chu Xuân Phàm, và chính họ đã đứng ra xin lỗi dân Việt Nam, và cũng nói rằng Formosa “vô can” trong vụ đầu độc môi trường biển này. Kết quả sau đó thì ai cũng biết. Vào ngày 30/06, các lãnh đạo Formosa lại cúi đầu một lần nữa, nhưng lần này là nhận tội, và chấp nhận bồi thường 500 triệu USD cho chính quyền CSVN.

Đoàn Hưng

(SBTN)

Không có nhận xét nào: