/// Ảnh: tư liệu
Ảnh: tư liệu
Khoe khoang tiền của là đam mê của Tổng thống Marcos. Lẽ ra ông đã có thể thành lập một vài quỹ từ thiện rồi từ đó về hưu và lui về điền trang của mình ở Ilocos Norte.
Andrew Carnegie có lần nói: “Người đàn ông chết giàu là người đàn ông ngu”. Marcos không có thời gian để làm từ thiện bởi Nhà Trắng không ngừng tạo áp lực buộc ông phải dùng vàng “đen” của mình để cung cấp cho các mục tiêu chính trị.
Một trong các mục tiêu chính trị ấy có tên gọi là China Mandate (Sự ủy quyền Trung Quốc).
Gia đình Marcos cho biết: “Bill Casey (1) nói với Ferdinand Marcos rằng Nhà Trắng sẽ giữ chiếc ghế tổng thống cho ông ta mãi mãi nếu ông ta đồng ý gửi số vàng “đen” của mình vào nhà băng dưới sự chỉ định của CIA”.
Trong China Mandate, theo tác giả Sterling và Peggy Seagrave viết trong Gold Warriors: Năm 1972, gia đình Marcos, Tổng thống Mỹ Nixon, Ngoại trưởng Kissinger đã thỏa thuận mật với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai để giữ Trung Quốc ra khỏi cuộc đụng độ với Mỹ về vấn đề Đài Loan. Để đổi lại, Trung Quốc sẽ được quyền sử dụng một lượng vàng lớn từ Marcos. (2)
Sterling và Peggy Seagrave cũng đưa ra những bằng chứng từ tài liệu giao dịch của phía ngân hàng cho thấy trong khoảng thời gian này, một lượng vàng rất lớn đã được chuyển đến các ngân hàng của Trung Quốc đại lục, trong đó có các tài khoản mang tên của Santa Romana, Ferdinand và Imelda Marcos và nhiều thành viên khác trong gia đình giàu có này.
Vì sao những nhân vật vốn luôn to miệng hô hào chống cộng, nay bỗng dưng chuyển một lượng lớn vàng đến các ngân hàng của một quốc gia cộng sản như Trung Quốc? Không có một lý do nào thuyết phục để có thể tin được, nhất là vào cao trào của Chiến tranh lạnh. Và vì thế, chỉ có thể giải thích được về một China Mandate mà chính quyền Tổng thống Nixon đã thỏa thuận với Bắc Kinh.
Một tài liệu nữa cũng nói đến việc “đổi chác” giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông về vấn đề này. Trong The Secret Gold Treaty (Thỏa ước mật về vàng), tác giả David Guyatt dẫn chứng: “Một giấy chứng nhận do Ngân hàng Bank of England phát hành ngày 15.12.1972 mang tên Mao Trạch Đông là chủ tài khoản với số tiền lên đến 16,62 tỉ USD”. Một cá nhân trong đường dây chuyển vàng của Marcos cho rằng Nixon đã trao cho Trung Quốc 200.000 tấn vàng để đổi lại một thỏa thuận, rằng Trung Quốc không được có bất kỳ hành vi bành trướng lãnh thổ nào trong vòng 50 năm”.
Và kèm theo nhận định: “Đã từng chứng kiến cảnh Trung Quốc xua quân tràn qua lãnh thổ Triều Tiên trong chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, phía Mỹ sợ rằng rất có thể Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan và Philippines, từ đó dẫn đến cuộc chiến tranh hạt nhân”.
Năm 1971 - 1972, nền kinh tế Trung Quốc lâm vào cảnh cực kỳ bi đát. Ngân khố của Bắc Kinh không có lấy một đồng dự trữ ngoại tệ. Chưa hết, cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới càng khiến kinh tế Trung Quốc lao đao. Ở các vùng quê, dân chúng bắt đầu chết đói.
Giới phân tích của CIA và Lầu Năm Góc đánh giá tình hình và nhận định chắc chắn Trung Quốc sẽ đánh Đài Loan. Cuộc đụng độ này nếu xảy ra chắc chắn sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Một cách có thể tháo được ngòi nổ cuộc chiến này, như lời đề nghị của một nhà phân tích CIA, là phải giúp Bắc Kinh ổn định được nền kinh tế. Nguồn tài chính lấy ở đâu ra? Không thể dùng ngân sách, Nhà Trắng quyết định dùng kho vàng “đen” của Marcos để hạ nhiệt cuộc chiến. Nếu Mỹ giúp Trung Quốc giải quyết được bài toán kinh tế thì các bên sẽ thiết lập được một giai đoạn hòa bình và bản thân Philippines cũng có lợi.
Để thực hiện China Mandate, Nixon và Kissinger đã bí mật đề nghị Mao Trạch Đông sẽ có một số lượng vàng trị giá 68 tỉ USD (con số Nhà Trắng ước lượng Marcos có lúc bấy giờ) lần lượt chuyển vào các ngân hàng Trung Quốc trong nhiều năm. Có tài chính, hệ thống ngân hàng Trung Quốc trở nên mạnh mẽ, nền kinh tế dần ổn định, và vấn đề đánh Đài Loan không còn là chủ đề nóng. Mỹ đã tránh được một cuộc xung đột thấy rõ với Trung Quốc. Và Marcos được Nhà Trắng ve vuốt và giữ yên ghế tổng thống thêm một thời gian dài.
Năm 1974, Imelda và con trai Bong-Bong đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh. Báo chí loan tải tấm ảnh Mao Trạch Đông vui vẻ đứng giữa 2 mẹ con Imelda (ảnh) - một tư thế chụp ảnh hiếm thấy ở Mao Trạch Đông. Năm sau, đến lượt Marcos viếng thăm Trung Quốc, và sau đó, em vợ ông là Kokoy Romualdez trở thành đại sứ Philippines tại Bắc Kinh.
Phía gia đình Marcos khẳng định rằng, China Mandate chính là cơ sở thiết lập nên chuyến thăm lịch sử của Nixon tới Bắc Kinh và thiết lập quan hệ ngoại giao với CHND Trung Hoa.
Các tài liệu cho thấy bắt đầu từ năm 1972 và kéo dài những năm sau đó, vàng của Marcos bắt đầu chảy vào các ngân hàng Trung Quốc, trong đó có Po Sang Bank và Bank of China ở Hồng Kông và những ngân hàng Trung Quốc khác ở Hạ Môn. Những tài liệu giao dịch cho thấy nhiều tài khoản lớn ở các ngân hàng này mang tên Romana Santa, Fernando Marcos, Imelda Marcos và các tên khác. Có tài liệu cho thấy một lá thư của một tay môi giới vàng đòi được chi trả hoa hồng sau khi hoàn tất việc chuyển vàng. Gia đình Marcos thường xuyên đến Xiamen, trong đó có việc đến dự lễ khánh thành tòa nhà mới cho ngân hàng của Trung Quốc nơi họ đang có tài khoản.
Một bằng chứng nữa vào năm 2000, khi Imelda bị chính quyền Hồng Kông cáo buộc đã thuê một phụ nữ Trung Quốc truy cập vào các tài khoản vàng của mình bằng cách hối lộ quan chức ngân hàng. Tháng 12.1999, các công tố viên Hồng Kông cho biết, Imelda đã đồng ý trả 35% cho bất kỳ ai giúp bà rút được 2,5 tỉ USD từ các tài khoản ở Bank of China, HSBC và các ngân hàng khác của Trung Quốc tại Hạ Môn.
Lê Huỳnh Lê 
(trích từ The Secret Gold Treaty và Gold Warriors) (1) Giám đốc CIA (2) Gold Warriors, trang 192