Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Vì sao Nhà Trắng cấm quân đội bàn về "cạnh tranh" với TQ?

Ngọc Việt | 

Vì sao Nhà Trắng cấm quân đội bàn về "cạnh tranh" với TQ?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trả lời trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Thông tin Nhà Trắng cấm các lãnh đạo Lầu Năm Góc bình luận về cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung Quốc, được tờ Navy Times (Mỹ) nêu hôm 26/9, đặt ra nhiều hoài nghi về quan hệ hai nước.

Sự việc được lý giải là do các chuyên gia và quan chức trong chính quyền Obama cho rằng, những va chạm Trung - Mỹ không thể được nhận diện là cạnh tranh nước lớn.
Tại sao lại có sự khác biệt trong nhận diện vấn đề và đánh giá tình hình giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc như vậy? Giới quân sự nhận định không chuẩn xác hay chính quyền né tránh sự việc?
Có thể thấy rằng những diễn biến trong thực tế (về sự bành trướng mà mối đe dọa quân sự từTrung Quốc trong khu vực) phù hợp với đánh giá của Lầu Năm Góc về "một thế lực lớn trỗi dậy".
Điều đó đặt ra nghi vấn chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang né tránh thực tế, nhằm phục vụ những kế hoạch, sách lược đặc biệt quan trọng của Nhà Trắng.
Các lãnh đạo quân đội Mỹ, từ Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, Tư lệnh Hải quân John Richardson hay Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford, đều khẳng định tồn tại "cuộc cạnh tranh nước lớn" giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Carter ám chỉ Bắc Kinh là "kẻ địch đẳng cấp cao".
Nhưng theo Navy Times, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) chỉ thị cho các tướng lĩnh không phát biểu công khai về quan điểm này.
Đảm bảo cho ứng viên đảng Dân chủ đắc cử Tổng thống Mỹ
Thành bại trong hai nhiệm kỳ tổng thống của Obama đã được tổng kết trong Thông điệp Liên bang cuối cùng mà ông đã đọc trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 12/1.
Bên cạnh thành tích rõ nét về khôi phục nền kinh tế Mỹ từ cuộc khủng hoảng 2008-2009, Obama để nhiều chính sách dang dở. Nếu không đảm bảo người kế nhiệm kế thừa và phát triển "di sản Obama" thì đó là thất bại không nhỏ đối với ông.
Do vậy, việc đảm bảo đảng Dân chủ làm chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp là cực kỳ quan trọng.
Để làm được điều đó, ngoài ủng hộ công khai thì chính quyền Obama phải hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực mà di sản Obama có thể gây ra cho ứng viên của đảng, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Vì sao Nhà Trắng cấm quân đội bàn về cạnh tranh với TQ? - Ảnh 2.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã có chuyến thăm Trung Quốc ngay sau phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA). (Ảnh : AP)
Truyền thông Mỹ và phương Tây phổ biến nhận định, việc không thể ngăn được sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc là thất bại lớn của Obama. Tổng thống Mỹ thậm chí bị đánh giá là đã để nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa vào thế không thể đảo ngược.
Các ứng viên đàng Cộng hoà khai thác điểm này để tấn công bà Clinton. Ứng viên Donald Trump là người chỉ trích mạnh mẽ nhất việc chính quyền Obama để Trung Quốc cướp mất lợi ích Mỹ, làm nhạt phai giá trị Mỹ và thách thức sức mạnh Mỹ.
Thách thức quân sự từ Trung Quốc có thể khiến phe Dân chủ phải trả giá. Những gì đã diễn ra khiến bà Clinton không thể thoát ly vấn đề tranh chấp trong chiến lược biển với Bắc Kinh.
Và thực tế thì rất khắc nghiệt với sức mạnh Mỹ, đến mức nhiều nhà bình luận cho rằng vấn đề Biển Đông là rào cản ngăn Clinton bước vào Nhà Trắng.
Như vậy, giảm áp lực từ Trung Quốc là một trong những biện pháp giúp tăng cơ hội thắng cử cho cựu Ngoại trưởng. Điều đó lý giải việc Chính phủ Mỹ hạn chế hành động và tỏ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh thời gian qua, nhằm tránh leo thang căng thẳng.
Ngay sau khi PCA ra phán quyết vụ kiện biển Đông ngày 12/7, Washington nhanh chóng chủ động "ngoại giao thầm lặng" ở Đông Nam Á để giảm áp lực cho Trung Nam Hải. Bởi lẽ, nếu Trung Quốc "manh động" thì sẽ nguy hại cho tính toán của Nhà Trắng.
Việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice thăm bất ngờ Trung Quốc ngay sau phán quyết được nhận diện là để thực hiện sứ mệnh một cuộc trao đổi lợi ích. Kết quả là Biển Đông "bớt cuộn sóng", thay vào đó là biển Hoa Đông, và Washington không thể hiện sự cương quyết với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, những động thái đó có thể gây bất lợi cho Chính phủ nếu giới quân sự có những phản ứng mạnh và Quốc hội Mỹ yêu cầu điều trần. Dường như đó là nguyên nhân chính lý giải Nhà Trắng nhận định khác với Lầu Năm Góc về tranh chấp quyền lực với Nga – Trung.
Vì sao Nhà Trắng cấm quân đội bàn về cạnh tranh với TQ? - Ảnh 3.
Chính quyền Obama cố gắng hỗ trợ bà Hillary Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Đảm bảo điều kiện hoàn tất "xoay trục" chiến lược đối ngoại
Việc chuyển trục chiến lược đối ngoại từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về Châu Á – Thái Bình Dương là quá chậm với Washington, nhưng lại quá nhanh với chính quyền Obama.
Khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc (1/7/1997) thì đã có thể nhận diện một sự trỗi dậy mạnh mẽ từ phương Đông. Song có lẽ Washington tự tin vào thế giới đơn cực xoay quanh “trục Mỹ” nên xem nhẹ sức mạnh tiềm tàng của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã có thời gian dài âm thầm chuẩn bị công lực bằng một nền kinh tế phát triển nóng. Khi nền kinh tế Trung Quốc có quy mô vượt qua kinh tế Nhật Bản và bắt đầu thách thức kinh tế Mỹ, người Mỹ mới có cái nhìn khác.
Hơn 11 năm sau ngày trao trả Hồng Kông, ông Obama bước vào Nhà Trắng và nhận diện chiến lược "xoay trục" châu Á-Thái Bình Dương. Thời điểm này, Trung Quốc đã đi một đoạn đường dài và thực sự thách thức Mỹ.
Như vậy là Mỹ đã quá chậm trong chuyển hướng chiến lược, song khi lại vội vàng khi "xoay trục". Việc chính quyền Obama nhanh chóng hạ tầm trong quan hệ với các đồng minh chiến lược tại Đại Tây Dương và Địa Trung Hải đã tạo ra nguy hại cho Mỹ.
Bởi lẽ, cho đến hiện tại Mỹ chưa xây được những trụ móng vững chắc tại địa bàn chiến lược mới. Việc quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic tại Phillipines trong quá khứ khiến cho Trung Quốc thoải mái thể hiện sức mạnh tại Biển Đông.
Vì sao Nhà Trắng cấm quân đội bàn về cạnh tranh với TQ? - Ảnh 4.
Nhận diện cạnh tranh trong chiến lược biển dưới một góc nhìn khác, giúp cho Mỹ có đủ điều kiện để hoàn tất trục chiến lược đối ngoại mới của mình. (Ảnh : US. Navy)
Australia đang "giằng xé" trong vấn đề nghiêng theo Mỹ hay Trung Quốc. Liên minh Mỹ-Nhật chưa thể phát huy vai trò với tình hình Biển Đông, còn Ấn Độ mới "ngấp nghé" ý định hiện diện ở Biển Đông.
Không những vậy, những đồng minh cũ là Thái Lan và Phillipines đang có xu hướng “gần Trung xa Mỹ” khiến Washington chưa thể sắp đặt được bàn cờ. Cục diện này đặt Mỹ vào thế đối mặt với đối thủ mới nhưng không thể tựa lưng vào đồng minh cũ.
Đứng từ lập trường của Nhà Trắng, thừa nhận tình trạng "cạnh tranh nước lớn" với Nga-Trung sẽ gây bất lợi khi "chiến tuyến đối đầu Bắc Kinh" mà Mỹ cố gắng xây dựng với đồng minh vẫn chưa định hình rõ nét.
Tránh đề cập cụm từ "nhạy cảm" trên thì những xung đột có thể không gia tăng cường độ và lợi ích đổi trao cũng dễ dàng hơn. Nhờ đó, Mỹ mới đủ điều kiện hoàn thiện móng trụ cho trục chiến lược châu Á.
Tóm lại, Nhà Trắng yêu cầu giới chức quân sự không bình luận về cạnh tranh quyền lực với Nga – Trung là sách lược đảm bảo di sản Obama được gìn giữ và gia tăng giá trị, đồng thời đảm bảo Mỹ đối diện với rủi ro tối thiểu trong quan hệ với Moscow và Bắc Kinh.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: